Bảo dưỡng công nghiệp: Ngành mới ổn định và giàu tiềm năng
Trong bối cảnh các ngành kinh tế sản xuất phát triển toàn diện và hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu về đội ngũ kỹ sư bảo dưỡng công nghiệp (BDCN) chất lượng cao đang tăng nhanh. Đây là một lựa chọn nghề nghiệp rất tiềm năng cho các bạn sinh viên yêu thích kỹ thuật, đam mê máy móc và mong muốn có một sự nghiệp ổn định trong tương lai.
Vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp sản xuất
Đối với những xí nghiệp, nhà máy lớn, việc các thiết bị máy móc bị hỏng hóc và hao mòn theo thời gian xảy ra khá thường xuyên. Điều này cũng khiến quá trình sản xuất bị gián đoạn, gây ra những tổn thất do hệ thống tạm ngừng hoạt động. Do đó, các chi phí trực tiếp để sửa chữa và thay thế thiết bị và rất nhiều các chi phí gián tiếp khác từ các sự cố gây dừng máy luôn là nỗi lo của các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp. Sự có mặt của các kỹ sư được đào tạo chuyên về BDCN sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế đáng kể những rủi ro này.
Hiện đang có rất nhiều dự án với những tên tuổi hàng đầu thế giới như Intel, Foxconn, LG, Samsung, Honda... đầu tư các dây chuyền sản xuất lên đến hàng trăm triệu USD ở nước ta. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất công nghiệp với quy mô lớn như tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của tập đoàn Vingroup hay 04 nhà máy của tập đoàn điện tử Asanzo. Vì vậy việc sở hữu một đội ngũ BDCN có trình độ cao ngày càng trở nên cấp thiết. Tiềm năng của ngành là rất lớn và nhu cầu sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong tương lai.
Nghề ổn định, cơ hội phát triển lớn
Việc đảm bảo cho cả hệ thống máy móc vận hành ổn định, liên tục và đảm bảo chất lượng, độ tin cậy là nhiệm vụ chính yếu của những kỹ sư ngành BDCN. Không chỉ gói gọn trong việc sửa chữa và thay thế máy móc ở các phân xưởng sản xuất, BDCN hiện đại là cả một quy trình đo đạc, theo dõi, tính toán, lập sơ sở dữ liệu, lên kế hoạch và cuối cùng là sữa chữa, thay thế thiết bị một cách khoa học và có tính toán chặt chẽ. Các kỹ sư phải theo dõi định kỳ chế độ làm việc của từng bộ phận và toàn bộ hệ thống máy móc trong phân xưởng, dự đoán và nắm bắt kịp thời các triệu chứng hỏng hóc của máy móc để lên kế hoạch sửa chữa hoặc thay mới những chi tiết bị hao mòn nhanh chóng và tiết kiệm nhất.
Một kỹ sư BDCN có thể đảm trách vị trí bảo dưỡng máy cho nhiều xí nghiệp, phân xưởng khác nhau. Công việc vì thế mà trở nên bận rộn và thú vị, cần phải biết sắp xếp thời gian để hoàn thành nhiệm vụ ở nhiều nơi. Nhờ đó, càng làm việc, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và tầm quan trọng của họ được nâng cao nhanh chóng, mở rộng nhiều mối quan hệ và có chỗ đứng vững chắc ở trong doanh nghiệp. Đây là một công việc có tính ổn định cao, cơ hội thăng tiến rõ ràng và sự đãi ngộ của doanh nghiệp là rất xứng đáng và tăng dần theo kinh nghiệm làm việc.
Ai phù hợp với ngành BDCN?
Các bạn trẻ yêu thích ngành kỹ thuật, đam mê tìm hiểu máy móc, cơ khí, điện – điện tử, điều khiển tự động,… có tính cách cẩn thận, tỉ mỉ, khả năng tập trung cao độ và tinh thần trách nhiệm cao sẽ rất phù hợp để trở thành những kỹ sư BDCN hàng đầu; Những người có khả năng sắp xếp, tổ chức công việc tốt sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến lên các vị trí quản lý cấp cao của doanh nghiệp trong tương lai.
Ngành BDCN của Trường Đại học Bách khoa sẽ đào tạo kỹ sư làm việc trong lĩnh vực bảo dưỡng, bảo trì trang thiết bị Công nghiệp và Dịch vụ. Người kỹ sư tốt nghiệp sẽ có kỹ năng lãnh đạo kết hợp với kiến thức chuyên môn chuyên nghiệp để có thể giải quyết các vấn đề về lập kế hoạch bảo trì, quản lý và điều hành công tác bảo trì nhằm duy trì sản xuất liên tục, chất lượng, hiệu quả, an toàn và phù hợp yêu cầu về môi trường sạch. Các môn học được thiết kế đáp ứng nhu cầu của xã hội: dịch vụ dân dụng và công nghiệp.
Bên cạnh những kiến thức cơ bản và cơ sở, sinh viên ngành BDCN sẽ học các kiến thức chuyên môn về tổ chức, quản lý và điều hành công tác bảo trì cùng với các kiến thức kỹ thuật hỗ trợ như Tự động hóa, điện, điện tử, cơ khí, thủy lực, khí nén, hàn và lạnh – điều hòa… Sinh viên sẽ được trang bị tốt về các kỹ năng thực hành để đáp ứng nhu cầu công việc ở những vị trí khác nhau trong công nghiệp như bảo dưỡng, nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, thiết kế, chế tạo dụng cụ, vật tư, chất lượng, bán hàng/tiếp thị, quản lý/điều hành sản xuất. Các vị trí đảm nhận sau khi tốt nghiệp ngành Bảo dưỡng Công nghiệp: kỹ sư bảo trì, trưởng ca sản xuất, quản lý bảo trì, kỹ sư cơ điện…
Được biết, hiện có nhiều doanh nghiệp đã và đang có quan hệ hợp tác, thường xuyên tuyển dụng cử nhân cao đẳng, kỹ sư chuyên ngành BDCN của Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM. Tiêu biểu có thể kể đến Big C, Unilever, Colgate–Palmolive, Vinamilk, Dutch Lady, Bosch, Xi măng Hà Tiên, InSee (Holcim Vietnam), Cao su Sài Gòn, Kim Đan, SKF, NTN, NSK, Camso Vietnam, Schaeffler Vietnam,…
Hiện nay các nhà máy sản xuất lớn hay nhỏ đều có một đội ngũ bảo trì. Các nhà máy quy mô lớn ngày một nhiều, đòi hỏi việc bảo trì ở một cấp độ cao hơn. Vì vậy, cơ hội việc làm của kỹ sư BDCN là rất khả quan, các bạn trẻ có thể làm việc ở mọi vùng miền trong hầu khắp các nhà máy lớn nhỏ trong nước và các tập đoàn ngoài nước.