www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nghề nhà báo

Nhà báo- người nắm trong tay một quyền lực khủng khiếp – dư luận. Nếu bạn còn băn khoăn hay chưa rõ về họ làm gì? họ là ai? thì hãy nên đọc bài này nhé!

  1. Nhà báo là ai?

Nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ đặc thù của nhà báo là tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về tất cả những sự kiện mới mà công chúng cần được biết mỗi ngày mỗi giờ, thậm chí mỗi phút, mỗi giây.

Qua các loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo chí Internet), nhà báo phát đi những thông tin mới nhất liên tục trong ngày.

Ngày nay, từ góc nhìn hiện đại, báo chí được coi là lĩnh vực chủ chốt của truyền thông đại chúng (Mass Commumcation), bên cạnh sách, điện ảnh, mạng toàn cầu Internet…

Các kênh thông tin của báo chí (báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh, báo chí Internet…) còn được gọi là các phương tiện truyền thông đại chúng hay các phương tiện thông tin đại chúng (Mass Media).

Báo chí là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất của đời sống xã hội. Nó đóng vai trò chính trị – xã hội to lớn ở mọi quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới. Ngoài ra, báo chí mang tính khuynh hướng rất rõ. Dù được tuyên bố hay không, mỗi tờ báo, đài phát thanh, truyền hình trong quá trình hoạt động đều đại diện cho quyền lợi, tiếng nói của một tầng lớp, tổ chức nào đó trong xã hội.

Báo chí ở nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (…), là diễn đàn của nhân dân.

Một số công việc trong nghề báo

  • Phóng viên

Phóng viên có chuyên môn nghiệp vụ trong các cơ quan báo chí, thực hiện viết, chụp ảnh, quay phim… làm nên các tác phẩm báo chí trong các cơ quan báo chí khác nhau.

Phóng viên xây dựng đề cương, thực hiện viết tin bài theo sự phân công và hướng dẫn của trưởng ban biên tập, chịu trách nhiệm về bài viết của mình cũng như tổ chức đội ngũ cộng tác viên chuyên viết bài cho báo.

Phóng viên làm việc tại các phòng ban chuyên môn nhất định tại toà soạn: Ban Kinh tế, Ban Văn xã, Ban Khoa học, Ban Pháp luật v.v… tuỳ thuộc vào nội dung, đường lối của riêng mỗi tờ báo. Họ phải có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực mà mình gắn bó để tìm hiểu và viết bài.

  • Phóng viên thường trú

Đây là đại diện có thẩm quyền trong thời gian nhất định của toà soạn báo, đài phát thanh, hãng truyền hình, hãng thông tấn tại một địa bàn trong hay ngoài nước để theo dõi, phản ánh kịp thời những thông tin, sự kiện, vấn đề xảy ra tại địa bàn đó trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ của nơi mình tới thường trú, phóng viên thường trú còn phải đặc biệt am hiểu địa phương đó (nếu là phóng viên thường trú trong nước) hoặc am hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ, truyền thống văn hoá, lịch sử, pháp luật quốc tế, pháp luật nhà nước của nước đó (nếu là phóng viên thường trú nước ngoài).

  • Phóng viên ảnh

Phụ trách vấn đề ảnh minh hoạ trong các cơ quan báo chí. Phóng viên ảnh được đào tạo về nghiệp vụ báo chí và có chuyên môn kỹ thuật ảnh để có thể chụp được những bức ảnh đẹp và giàu thông tin báo chí. 

  • Biên tập viên

Biên tập viên là những nhà báo làm nhiệm vụ biên tập, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính tư tưởng, nghệ thuật, khoa học của các bản thảo, tin, bài của phóng viên và cộng tác viên.

Biên tập viên khai thác, tổ chức các nguồn tư liệu, tài liệu, tin, bài, đề tài…theo định hướng, kế hoạch của đơn vị; nhận xét, biên tập nâng cao chất lượng và chịu trách nhiệm về nội dung bản thảo; thuyết minh về chủ đề tư tưởng, chỉ dẫn các yêu cầu trình bày kỹ thuật, mỹ thuật, theo dõi quá trình dàn dựng, sản xuất; tham gia tổng kết chuyên môn nghiệp vụ.

Công việc của biên tập viên thường tĩnh hơn phóng viên. Họ dành nhiều thời gian ở tòa soạn hơn. Tuy nhiên, xu hướng khá phổ biến hiện nay là biên tập viên cũng trực tiếp đi viết bài, lấy tin. Ở một số tờ báo, không có sự phân biệt rõ ràng giữa công việc của biên tập viên và phóng viên.

  • Thư ký tòa soạn

Được coi là cánh tay phải của tổng biên tập, chỉ đứng sau tổng biên tập và phó tổng biên tập. Đó là nguời có nghiệp vụ báo chí giỏi, dày dạn kinh nghiệm, nhạy cảm chính trị, có khả năng thẩm định thông tin, đánh giá tin bài, ảnh về mặt thời sự, chính trị, hiệu quả… Bên cạnh đó, họ đồng thời phải nắm rõ quy trình ra báo, thông hiểu cả lỗi kỹ thuật in, làm ma két, sửa chữa và đính chính các lỗi trên mặt báo.

Thư ký tòa soạn dành chủ yếu thời gian tại tòa soạn, nhận tin bài từ các phòng, ban trong tòa soạn và hệ thống cộng tác viên của mình gửi về. Công việc của thư ký tòa soạn thường rất bận rộn, áp lực nặng nề, đặc biệt với những báo ra hàng ngày.

  • Tổng biên tập

Đây là người đứng đầu cơ quan báo chí, trực tiếp lãnh đạo tổ chức và giáo dục tập thể toà soạn, củng cố khối đoàn kết nội bộ, xây dựng mối quan hệ tốt với độc giả.

Tổng biên tập chịu trách nhiệm chính về nội dung tư tưởng, hình thức thể hiện của tờ báo. Tổng biên tập do cơ quan chủ quản trực tiếp bổ nhiệm bằng văn bản pháp lý.

2. Nhà báo làm việc ở đâu?

  • Toà soạn báo, đài phát thanh, truyền hình

Phụ thuộc vào mục đích, tôn chỉ, đối tượng và nội dung tờ báo, loại hình báo chí mà nhà báo được phân định cụ thể về các ban, tiểu ban như ban Nội chính, Ban Khoa học – Giáo dục, Ban Văn hoá- Xã hội, Ban Kinh tế, Ban Quốc tế… với các chức danh phóng viên, biên tập viên…

Trước đây, một nhà báo thường bắt đầu nghề nghiệp với công việc của phóng viên (trực tiếp đi săn tin), sau khi có kinh nghiệm một số năm nhất định thì trở thành biên tập viên (chức năng chủ yếu là ngồi tại toà soạn biên tập tin bài từ các nguồn khác nhau như phóng viên, thông tin viên). Tuy nhiên, hiện nay tại các cơ quan báo chí, sự phân biệt về công việc giữa phóng viên và biên tập viên không còn quá rạch ròi.

Nhiều báo sử dụng phóng viên ảnh là những người chuyên chụp ảnh theo yêu cầu của lãnh đạo báo, các biên tập viên, phóng viên khác, hoặc theo nguồn tin tự tìm.

Trên thực tế, ngày nay, theo xu hướng báo chí hiện đại, ngoài những trường hợp đặc biệt đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, nhà báo khi lo nội dung tin tức thường tự chụp ảnh.

  • Chỉ đạo hoặc quản lý Nhà nước về báo chí

Trong lĩnh vực này, tuỳ vào khả năng, điều kiện và kinh nghiệm công tác, bạn có thể làm việc tại:

* Vụ báo chí (Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương).

* Các ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ, quận uỷ, huyện uỷ.

* Cục báo chí (Bộ Văn hoá- Thông tin)

* Các sở văn hoá – Thông tin tỉnh, thành phố.

* Các phòng văn hoá – Thông tin quận, huyện.

  • Các phòng thông tin – báo chí của các cơ quan, các bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang hoặc các tổ chức chính trị- xã hội, các công ty truyền thống, các doanh nghiệp…

Công việc trong các phòng thông tin – báo chí là một hướng tiếp cận không hoàn toàn mới mẻ nhưng lại ít được sinh viên báo chí quan tâm trong khi các toà soạn báo đang có nguy cơ đầy ứ.

Hiện nay, công việc PR (Quan hệ công chúng) cũng được coi là một con đường phát triển sự nghiệp mới mẻ và hấp dẫn với những người tốt nghiệp ngành báo chí.

  • Nghiên cứu và đào tạo báo chí ở các trường đại học, viện nghiên cứu có ngành báo chí.
  • Các tổ chức quốc tế, tùy viên báo chí các Đại sự quán trong và ngoài nước.
  • Nhà báo tự do

Tức là bạn không hoàn toàn thuộc về một cơ quan, tổ chức nào ngoài chính bản thân bạn. Mô hình nhà báo tự do đã rất phát triển ở các nước phương Tây. Họ là cộng tác viên thường xuyên hoặc không thường xuyên của một số cơ quan báo chí (có người từng cộng tác với hàng chục nơi).

Nhà báo tự do hoàn toàn có thể gây dựng sự nghiệp và tiếng tăm cho bản thân mà không cần phải phụ thuộc vào uy tín của một cơ quan báo chí nào đó.

Thực tế, bạn có thể cùng lúc hoạt động tại “hơn một” nơi đã kể trên.

Ví dụ như bạn vùa làm việc chính thức tại toà soạn, vừa tham gia giảng dạy báo chí. Nhiều nhà báo giỏi, có kinh nghiệm vẫn thường được mời về thỉnh giảng tại các khoa, trường đào tạo ngành báo chí. Hoặc ngược lại, bạn có thể vừa giảng dạy ở trường vừa tham gia cộng tác với các tòa soạn.