www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nghề công an

Công an nhân dân Việt Nam là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có vai trò làm nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Công an là ai?

Để đảm bảo an ninh, sự bình yên về mọi mặt cho Tổ quốc, ngành công an được chia thành hai lực lượng chính với sự phân công công việc rất rõ ràng:

  • Cảnh sát:Lực lượng được Nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
  • An ninh:Lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân.

Không ít bạn nghĩ rằng công an và bộ đội chỉ khác nhau ở “màu áo”. Thực tế, bộ đội là những người chịu trách nhiệm về toàn vẹn lãnh thổ. Còn nhiệm vụ của cả ngành công an là đảm bảo an ninh trong nước.

Ngành công an làm gì?

Công an nhân dân Việt Nam được cấu thành từ ba bộ phận chính.

* Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ là những cán bộ, chiến sĩ được đào tạo nghiệp vụ chính quy tại các trường đào tạo công an.

* Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật là những cán bộ, chiến sĩ được đào tạo từ các ngành nghề khác phục vụ trong ngành công an, đồng thời đã trải qua khóa học nhất định về nghiệp vụ công an.

* Học viên là những học viên đang học tại các trường đào tạo trong ngành công an.

  • Trong lực lượng cảnh sát

* Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội

Đảm bảo trật tự nơi công cộng; đăng kí, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; cấp và quản lý chứng minh nhân dân; quản lý vũ khí, vật liệu nổ; quản lý con dấu; quản lý những người thuộc diện quản chế, cải tạo tại chỗ, cải tạo không giam giữ, án treo; hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng v.v… Đó là những công việc hàng ngày của lực lượng cảnh sát hành chính về trật tự xã hội.

Do đặc thù công việc của mình, các chiến sĩ cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thường rất gần gũi với người dân. Nhiều người được nhân dân coi như người thân trong gia đình. Thông thuộc địa bàn, nắm vững về từng người dân, họ cũng là lực lượng hỗ trợ đắc lực trong công tác điều tra, truy quét tội phạm.

* Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Cảnh sát hình sự)

Bạn đã từng hồi hộp theo dõi những bộ phim hình sự nước ngoài hay phim truyền hình dài tập Cảnh sát hình sự? Cuộc đấu tranh với bọn tội phạm ngoài đời còn cam go và khốc liệt hơn trên màn bạc rất nhiều. Trong mặt trận đó, những chiến sĩ cảnh sát hình sự vẫn ngày đêm chiến đấu để giữ gìn sự bình yên cho từng mái nhà, từng con phố… Các đội cảnh sát SBC (săn bắt cướp) với những chiến công vang dội chính là thuộc lực lượng này.

Tham gia vào hàng ngũ cảnh sát hình sự, bạn có nhiệm vụ tiến hành các biện pháp trinh sát và hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật, để điều tra, khám phá tội phạm về trật tự xã hội (trừ tội phạm về ma túy và tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ), góp phần bảo vệ tài sản cũng như tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

* Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy

Nhiệm vụ cụ thể của cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là nghiên cứu, nắm bắt tình hình hoạt động của các loại tội phạm ma túy, từ đó phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của tội phạm về ma túy để đề xuất, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa đấu tranh. Bên cạnh đó, họ nghiên cứu phương thức, thủ đoạn và quy luật hoạt động của tội phạm về ma túy, tiến hành hoạt động điều tra tội phạm về ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Y học vẫn có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Điều này cũng đúng với công việc của các chiến sĩ công an. Một hoạt động khác không kém phần quan trọng của lực lượng cảnh sát này là phối hợp với các cơ quan trong và ngoài ngành để tổ chức công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm về ma túy.

Những chú chó nghiệp vụ tài ba đã giúp ích cho ngành công an phá nhiều vụ án tưởng như đi vào bế tắc vì không tìm được vật chứng, các đối tượng nghi can bỏ trốn hoặc không nhận tội. Ngoài việc giám biệt và đánh hơi truy tìm dấu vết, chó nghiệp vụ còn tham gia tuần tra kiểm soát, dẫn giải tội phạm… Chú chó nào được lựa chọn phải vượt qua yêu cầu rất cao về sức khỏe, khả năng chịu đựng căng thẳng, sự thính nhạy của khứu giác, sự linh hoạt v.v… trải qua các khóa huấn luyện rất ngặt nghèo.

* Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ

Bạn thường theo dõi báo chí và thấy một loạt những vụ án lớn về tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ nhà nước, lừa đảo… bị đưa ra ánh sáng. Đó chính là chiến công của những chiến sĩ cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ.

Nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát này là tiến hành các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn các tội phạm xâm phạm sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội; các tội phạm về chức vụ và tội phạm kinh tế khác được quy định tại Bộ luật hình sự.

* Cảnh sát phòng cháy chữa cháy

Bảo vệ người dân khỏi “giặc lửa” là nhiệm vụ của những chiến sát cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Họ quản lý, tổ chức, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trên toàn quốc, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

* Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp

Đây là các chiến sĩ làm những công việc thầm lặng, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của toàn lực lượng. Nhiệm vụ của cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp là canh gác, bảo vệ các mục tiêu quan trọng như Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, các đại sứ quán; tổ chức tuần tra, cơ động chiến đấu kịp thời trấn áp mọi hoạt động phá rối an ninh, trật tự; bảo vệ các phiên tòa, bắt giữ, áp tải bị can, dẫn giải người làm chứng, quản lý kho vật chứng và hỗ trợ công tác thi hành án…

* Cảnh sát giao thông

Quen thuộc nhất với chúng ta có lẽ chính là những chiến sĩ cảnh sát giao thông với màu áo vàng đặc trưng. Lực lượng này có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo và tiến hành công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; giáo dục, tuyên truyền cho người dân về Luật Giao thông. Cảnh sát giao thông bao gồm hai lực lượng hợp thành: cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, cảnh sát giao thông đường thuỷ.

Ngoài ra, trong lực lượng cảnh sát, còn có thể kể đến một số đội cảnh sát đặc biệt như: Cảnh sát trật tự, Cảnh sát 113 thuộc Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát cơ động thuộc Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp v.v…

  • Lực lượng an ninh

Âm thầm, lặng lẽ, ít xuất hiện trước công chúng nhưng cũng đầy quyết liệt, mưu trí và dũng cảm, các chiến sĩ an ninh đã triệt phá bao âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và phản động, giữ vững độc lập và thống nhất đất nước. An ninh nhân dân gồm nhiều lực lượng nghiệp vụ hợp thành: trinh sát ngoại tuyến; kỹ thuật nghiệp vụ; quản lý xuất, nhập cảnh; an ninh kinh tế; an ninh văn hóa, tư tưởng; tình báo; chống gián điệp…

* An ninh văn hóa – tư tưởng

Đây là mặt trận không tiếng súng nhưng cũng vô cùng cam go bởi các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi thủ đoạn xấu để xâm hại an ninh, trật tự trong lĩnh vực tư tưởng – văn hóa. Nhiệm vụ của những chiến sĩ an ninh trên mặt trận này là phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm hại an ninh, trật tự trong lĩnh vực tư tưởng – văn hóa do các thế lực thù địch và bọn tội phạm khác tiến hành; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

* An ninh tình báo

Những câu chuyện về các chiến sĩ tình báo trong và ngoài nước từng khiến bạn mê mẩn? Cuộc sống của người chiến sĩ tình báo dường như luôn được che phủ bởi một lớp màn bí mật, pha chút màu sắc huyền thoại. Nhiệm vụ cụ thể của họ là phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu và hoạt động thâm nhập, phá hoại của cơ quan đặc biệt của nước ngoài.

* An ninh kinh tế

Sự nghiệp phát triển nền kinh tế đất nước đòi hỏi phải thực hiện đúng đắn, có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước; bảo vệ các bí mật Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế; đảm bảo sự an toàn của các cơ sở vật chất, kĩ thuật, tài sản quốc gia, các mục tiêu kinh tế trọng điểm, đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế. Bởi vậy, các chiến sĩ an ninh kinh tế có nhiệm vụ đấu tranh chống các âm mưu, hoạt động phá hoại về kinh tế có tính chất an ninh, tình báo, gián điệp, phá hoại kinh tế do các thế lực thù địch và các loại tội phạm kinh tế gây ra.

* Bác sĩ pháp y

Những người công an đặc biệt này không có trong đội hình “săn bắt cướp”, nhưng họ là cộng sự không thể thiếu của các chiến sĩ cảnh sát hình sự. Với những dụng cụ nghiệp vụ như đôi găng tay, con dao mổ, thước đo v.v., bằng khả năng chuyên môn, óc quan sát, sự nhạy bén và năng lực phán đoán tuyệt vời, họ tìm ra những lời tố giác câm lặng trong các tử thi. Nếu bác sĩ ngoại khoa phẫu thuật để giành lại sự sống cho bao người, thì bác sĩ pháp y phẫu thuật để tìm lại công lý cho người đã khuất, bắt kẻ có tội đền tội, phơi bày sự thật ra ánh sáng.

Ngành công an làm việc ở những đâu?

Do nhiệm vụ đặc thù của mình, ngành công an có mặt trên tất cả các địa phận của Tổ quốc, từ những thành phố sầm uất đến những miền quê xa xôi hay núi rừng hoang vu.

Để dễ hình dung, bạn hãy tưởng tượng các lực lượng công an được kết cấu giống như một cây thư mục trên máy tính. Thư mục gốc – cơ quan đầu não của ngành là Bộ Công an. Bộ Công an được chia thành các “thư mục” nhỏ hơn là các cơ quan nghiệp vụ và các cơ quan khác. Đến lượt mình, các cơ quan nghiệp vụ lại phân thành Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh.

  • Bộ công an

Là cơ quan có chức năng quản lí nhà nước về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi cả nước; lãnh đạo và chỉ huy cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự.

Bộ Công an bao gồm một số tổng cục phụ trách về nghiệp vụ như: xây dựng lực lượng, hậu cần và một số đơn vị trực thuộc Bộ trưởng v.v…

  • Tổng cục Cảnh sát

Là cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo, chỉ huy lực lượng cảnh sát trong cả nước, tiến hành các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh, chống mọi hoạt động của bọn tội phạm hình sự xâm phạm tài sản của Nhà nước và công dân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của công dân, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội.

  • Tổng cục An ninh

Là cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an, có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng an ninh trong cả nước về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa và tấn công nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các loại tình báo, gián điệp, phản động quốc tế và bọn tội phạm khác xâm phạm an ninh quốc gia.

Bên cạnh sự phân chia như vậy, ở mỗi địa phương trong cả nước lại có hệ thống lực lượng công an các cấp từ lớn đến nhỏ, từ phạm vi quản lý rộng đến hẹp, thực hiện những nhiệm vụ chung của ngành trên địa bàn của mình. Chúng ta có thể kể đến:

  • Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

– Trực thuộc Trung ương, chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và sự chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ Công an.

– Có chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, thành phố.

– Do Giám đốc phụ trách và các Phó giám đốc giúp việc.

  • Công an quận, huyện

– Trực thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện và chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của công an cấp tỉnh, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn quận, huyện.

– Tổ chức gồm: đội văn phòng tổng hợp, đội an ninh nhân dân, đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, đội cảnh sát điều tra trật tự quản lí kinh tế và chức vụ, đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, bộ máy giúp việc cơ quan cảnh sát điều tra, đội cảnh sát phụ trách xã và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhà tạm giữ.

– Do Trưởng công an quận, huyện phụ trách và các Phó trưởng công an quận, huyện giúp việc.

  • Công an phường

– Tổ chức công an cấp cơ sở của Công an nhân dân ở các thành phố, thị xã. Chịu sự quản lý điều hành của ủy ban nhân dân phường và sự chỉ đạo của công an quận, thị xã.

– Có nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, các vi phạm pháp luật trên địa bàn phường; thực hiện quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; làm nòng cốt trong việc vận động nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh, trật tự.

– Gồm các tổ: tổng hợp, trực ban; cảnh sát khu vực (với các phường phức tạp có thêm đội cảnh sát trật tự, hình sự).

– Do Trưởng công an phường phụ trách.

  • Công an xã

– Công an đơn vị cấp cơ sở, được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp xã ở những nơi không bố trí lực lượng công an chính quy.

– Có trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy Đảng và ủy ban nhân dân xã về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn xã và thực hiện việc quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở xã.

– Tổ chức gồm: Trưởng công an xã, Phó trưởng công an xã và công an viên.

Con đường để trở thành công an

  • Học hết phổ thông trung học và thi thẳng vào các trường đào tạo công an

Thi tuyển vào ngành công an so có chút khác biệt so với với các cuộc thi tuyển ngành nghề khác: Khi nộp hồ sơ thi vào các trường công an, trước hết bạn phải qua một đợt sơ tuyển tại công an tỉnh hoặc thành phố nơi bạn có hộ khẩu thường trú. Chỉ cần bạn đủ sức khỏe, chiều cao, cân nặng và một lý lịch rõ ràng, bạn sẽ dược dự thi vào các trường mình mong muốn.

Quy định về độ tuổi đăng ký dự thi vào các trường đào tạo công an (tính đến ngày dự thi): Học sinh trung học phổ thông hoặc trung học bổ túc không quá 20 tuổi, học sinh thuộc khu vực 1 không quá 22 tuổi, chiến sĩ nghĩa vụ công an không quá 24 tuổi, cán bộ trong ngành không quá 28 tuổi.

Các trường đào tạo ngành công an sẽ nhận các nữ học sinh theo nhu cầu của công an địa phương, không quá 10% tổng số đã sơ tuyển.

  • Hoàn thành nghĩa vụ công an, sau đó thi tuyển trở thành sĩ quan công an

Đây là một con đường khác giúp bạn có thể gia nhập vào đội ngũ các chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam. Trước tiên bạn hoàn thành khóa huấn luyện nghĩa vụ, sau đó tham gia thi tuyển vào các trường đại học công an. Nếu không đủ điểm vào trường đại học, bạn vẫn có hy vọng được xét vào trường trung học công an. Và chắc chắn bạn sẽ được hưởng những ưu tiên nhất định.

Con đường này chắc chắn sẽ dài hơn, đòi hỏi ở bạn lòng quyết tâm và nghị lực, vừa rèn luyện vừa tự học hỏi để có thể vượt qua kỳ thi. Hành trang mà bạn có là sự từng trải trong môi trường rèn luyện, kỷ luật nghiêm khắc của ngành công an. Lúc này bạn đã trưởng thành lên nhiều để có thể tự quyết định được tương lai của mình.

Tuy nhiên, nếu bạn không lựa chọn hai con đường trên mà vẫn tha thiết muốn được trở thành người chiến sĩ phục vụ trong ngành công an, bạn sẽ phải làm thế nào?

Bạn không cần lo lắng nhiều. Cũng như quân đội, ngành công an là ngôi nhà chung của rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội. Do công việc đặc thù của mình, hàng năm, ngành công an cũng tuyển thêm các chuyên ngành khác mà trong hệ thống đào tạo của ngành chưa có như: kế toán, các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, bác sĩ, nhà báo v.v… cho các cơ quan, các viện nghiên cứu, viện khoa học….

Địa chỉ đào tạo ngành công an

* Học viện Cảnh sát nhân dân và Học viện An ninh nhân dân

Đây là hai trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo sĩ quan ngành công an có trình độ đại học, trên đại học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cho ngành. Sự khác nhau cơ bản của hai trường này rất dễ thật ra. Đó là:

Học viện Cảnh sát nhân dân đào tạo ra lực lượng cảnh sát nhân dân. Các chuyên ngành đào tạo của Học viện gồm: Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ; Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Cảnh sát khoa học, kỹ thuật hình sự, Cảnh sát quản lí hành chính về trật tự xã hội; Cảnh sát giao thông; Cảnh sát trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

* Học viện An ninh nhân dân đào tạo ra lực lượng an ninh nhân dân. Các chuyên ngành đào tạo: An ninh điều tra, Trinh sát an ninh, Cử nhân ngoại ngữ, Cử nhân tin học.

Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy

Đây là cơ sở đào tạo cán bộ phòng cháy, chữa cháy có trình độ đại học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy.

Các học viện trên đều có các khóa đào tạo các chuyên ngành công an sau đại học: thạc sĩ và tiến sĩ. Nếu bạn sống ở miền Nam, các bạn có thể đăng ký dự thi và học tại các phân hiệu Học viện Cảnh sát nhân dân và Học viện An ninh nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các trường này cũng đào tạo các chuyên ngành như các học viện tại Hà Nội. Nếu bạn không đủ điểm vào đại học, bạn sẽ được xét tuyển vào Trường Trung học Cảnh sát hay Trường Trung học An ninh. Nơi đây cũng đào tạo những chiến sĩ công an nhưng với thời gian ngắn hơn. Còn trong trường hợp bạn không đủ điểm vào trung học, nhưng vẫn nuôi nguyện vọng phục vụ trong ngành công an, bạn còn được xét gia nhập lính nghĩa vụ. Khi sắp kết thúc nghĩa vụ bạn lại có thể thi tiếp vào trường công an.