www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nghề stylist (nghề tạo phong cách)

  1. Stylist là gì?

Nếu như vài năm về trước, khái niệm Stylist vẫn còn là điều gì đó khá mơ hồ đối với nhiều người, thậm chí là chỉ những người làm trong ngành thời trang mới hiểu được ý nghĩa của nó, thì nay, Stylist đã trở thành một trong những từ khóa khá “hot” thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo sự đi lên của những nhu cầu giải trí, chăm sóc bản thân thiết yếu, và trong đó không thể không nhắc tới thời trang. Đã qua rồi những giai đoạn thời trang là một thứ xa xỉ, chỉ cần thiết với những ai làm công việc ca sĩ, diễn viên xuất hiện trên truyền hình, sân khấu… Ngày nay, nhu cầu mặc đẹp dường như là điều không thể thiếu đối với mỗi cá nhân, từ trẻ đến già, học sinh, sinh viên đến công chức… Chính vì lẽ đó mà nghề Stylist – công việc mang tới cho công chúng những định nghĩa chính xác về thời trang, xu hướng theo cách gần gũi, dễ hiểu nhất – bắt đầu “lên ngôi”.

Thời trang và Stylist là hai thứ luôn tồn tại song song, khó có thể tách rời. Chính thời trang đã tạo nên nghề Stylist, nhưng cũng nhờ Stylist mà mọi người mới có thể tiếp xúc, đến gần hơn với thời trang. Cũng bởi luôn đồng hành với thời trang – lĩnh vực tôn vinh cái đẹp và sự tinh tế – mà dường như nghề Stylist cũng tự khắc được mọi người “gán” cho cái mác hào nhoáng và có phần… phù phiếm.

2. Stylist làm gì?

  • Đằng sau thành công của một ngôi sao là bóng dáng của một Stylist

Bộ phim Silver Linings Playbook – bộ phim vừa mang về cho Jennifer Lawrence giải thưởng Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc. Và chiếc váy mà Jennifer đã diện trên thảm đỏ Oscar 2013 là một thiết kếcủa Dior. Nó là chủ đề được nói đến nhiều trước, trong và sau kỳ Oscar. Nó thậm chí còn giúp Jennifer xuất hiện trên báo chí, truyền hình nhiều hơn là vì vai diễn của cô. Và đó là một minh chứng cho thấythời trang hoàn toàn có thể lấn át diễn xuất.

Mục đích tối cao của các stylist là khiến cho truyền thông chú ý đến khách hàng của mình, theo hướng tích cực. Thỉnh thoảng, họ cũng thất bại khi khách hàng được nhắc đi nhắc lại liên tục trên báo chí, truyền hình, nhưng trong danh sách những ngôi sao mặc xấu nhất. Không phải mọi sự chú ý đều tốt. Nhiều ngôi sao lên trang nhất vì những nguyên nhân tồi tệ. Một stylist luôn đối mặt với thách thức, làm sao tạo được sự táo bạo cho khách hàng nhưng không khiến họ trở thành thảm họa thời trang. Bởi stylist có thể phải trả giá bằng cách mất việc ngay khi người ta còn chưa kịp quấn thảm đỏ một sự kiện.

  • Stylist – ngoài quan hệ công việc – còn cần trở thành một người bạn của các ngôi sao, nắm rõ từng chi tiết trên cơ thể của khách hàng

Leslie Fremar, stylist của Charlize Theron, là người đứng đầu danh sách 25 stylist quyền lực nhất năm 2013. Trong những hình ảnh chụp từ hậu trường thảm đỏ, người ta thường thấy Fremar bò toài trên mặt sàn phòng thay đồ, để ngắm nghía, chỉnh sửa cho nữ diễn viên từng chi tiết trên trang phục. Charlize tâm sự: “Leslie hiểu rõ cơ thể tôi. Tôi có đôi vai to và vòng eo lớn, nên cô ấy thường chọn cho tôi cái gì đó gọn gàng và cổ điển. Leslie thường tránh những thứ rườm rà và cầu kỳ”. Chiếc váy trắng hở vai kiểu peplum hiệu Dior mà Leslie lựa chọn cho Charlize tại Oscar 2013 là một trong những thiết kế đẹp nhất tại sự kiện. Còn Jessica Alba nói về Brad Goreski: “Brad làm rất tốt công việc của mình. Tôi chỉ việc mặc chúng vào và bước ra thảm đỏ một cách thoải mái, tự tin”.

Không chỉ hiểu rõ khách hàng của mình mặc gì thì đẹp, các stylist còn biết rõ các nhà thiết kế hàng đầu thế giới và nắm bắt được xu hướng thời thượng của làng thời trang. Họ là người đã kết hợp những ngôi sao hạng A với những thương hiệu mạnh nhất, tạo nên một cặp đôi hoàn hảo.

Ở một stylist thì gout thẩm mỹ, khả năng sáng tạo, niềm đam mê đối với thời trang nói riêng và nghệ thuật nói chung là một điều không thể thiếu. Bên cạnh đó thì stylist bắt buộc phải có khả năng làm việc theo nhóm, khả năng điều phối, thuyết phục cả một ekip từ người mẫu, make up, nhiếp ảnh, ánh sáng… thậm chí, thái độ làm việc với các sao cũng là một kỹ năng tối cần thiết của một stylist.

Ở Việt Nam, đa số người làm nghề stylist thường tập chung ở hai lĩnh vực thời trang và nhiếp ảnh. Chưa có stylist nào đủ sức dàn dựng chỉ huy một buổi biểu diễn nghệ thuật lớn.

Nghề stylist được biết đến thông qua các stylist nước ngoài làm việc ở Việt Nam như: Thanh Trúc (Việt kiều Pháp), Henri Hubert, J. Sarah… Họ thực hiện các seri ảnh thời trang trên các tạp chí: Đẹp, Mốt, Tiếp thị gia đình…

Thông thường ở Việt Nam, stylist là những người học trường nghệ thuật, thời trang, mỹ thuật, những người có kinh nghiệm làm việc trong giới tổ chức biểu diễn hay chuyển sang làm nghề này. Các stylist Việt Nam đầu tiên là các nhà thiết kế thời trang hoặc họa sỹ ứng dụng như họa sỹ Từ Phương Thảo,nhà thiết kế Văn Thành Công, Việt Hùng… Đặc biệt nghề stylist còn được các bạn trẻ 8X tham gia như: ca sỹ Vương Khang stylist cho công ty Thế giới giải trí và giới ca sĩ Sài Gòn, stylist Huỳnh Minh Thủy (Thủy Top) stylist cho album ca sĩ Đăng Khôi, Nguyễn Thùy Linh (Linhzo) stylist cho báo Sinh viên Việt Nam và Tiếp thị Gia đình… Họ đến với nghề với lý do đơn giản: ban đầu mê thời trang, ca hát, hội họa… rồi “nhiễm” nghề stylist lúc nào không hay.

Nghề stylist đang là nghề mới mẻ cho nên công việc stylist Việt Nam hiện nay vẫn là học hỏi từ cácxu hướng stylist nước ngoài. Các stylist Việt Nam vẫn đang cố gắng hoàn thiện mình từng ngày.